Trong hệ thống pháp luật nước ta, Tòa án nhân dân là cơ quan thực thi pháp luật quan trọng, thực hiện quyền tư pháp. Trong lĩnh vực hình sự, Tòa án là cơ quan tiến hành xét xử các vụ án. Để nâng cao mức độ chuyên môn hóa cũng như hiệu quả thực hiện công việc, thẩm quyền xét xử của Tòa án đối với các vụ án hình sự được quy định chặt chẽ, minh bạch tránh chồng chéo. Hãy cùng tìm hiểu thẩm quyền xét xử của tòa án theo BLTTHS 2015
I. KHÁI NIỆM THẨM QUYỀN XÉT XỬ CỦA TÒA ÁN THEO BLTTHS 2015 VÀ TIÊU CHÍ PHÂN CHIA THẨM QUYỀN XÉT XỬ CỦA TÒA ÁN THEO BLTTHS 2015
1.Khái niệm thẩm quyền xét xử của tòa án theo BLTTHS 2015

Quyền xét xử là quyền xem xét và quyết định trong hoạt động xét xử của Tòa án theo quy định của pháp luật. Thẩm quyền xét xử của Tòa án theo BLTTHS 2015 (sơ thẩm và xét xử phúc thẩm) được hiểu theo nghĩa rộng là nhiệm vụ, quyền hạn, và tránh nhiệm của Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán, Thư ký, Thẩm tra viên, Hội đồng xét xử khi tiến hành tố tụng (xét xử, giải quyết) các vụ án hình sự.
2. Tiêu chí phân chia thẩm quyền xét xử của tòa án theo BLTTHS 2015
Thẩm quyền xét xử của Tòa án theo BLTTHS 2015 được chia thành
- Thẩm quyền theo cấp:
Ở Việt Nam hiện nay có 4 cấp tòa án nhân dân là: Tòa án nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân cấp cao; Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân cấp huyện.
Ngoài ra ở Việt Nam còn có hệ thống các Tòa án quân sự. TAQS là những tòa án thuộc hệ thống Tòa án nhân dân, được tổ chức và đảm nhiệm công tác xét xử hình sự trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Hệ thống các tòa án quân sự có 3 cấp: Tòa án quân sự trung ương; các Tòa án quân sự quân khu và tương đương; Tòa án quân sự khu vực.
- Thẩm quyền theo lãnh thổ: Quy định tại Điều 269 BLTTHS 2015
II QUY ĐỊNH VỀ THẨM QUYỀN XÉT XỬ CỦA TÒA ÁN THEO BLTTHS 2015
1. Thẩm quyền xét xử của Tòa án theo BLTTHS 2015 theo cấp tòa án
Thẩm quyền xét xử của Tòa án theo BLTTHS 2015 theo cấp được quy định tại điều 268 như sau
“1. Thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng, trừ những tội phạm:
a) Các tội xâm phạm an ninh quốc gia;
b) Các tội phá hoại hoà bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh;
c) Các tội quy định tại các điều 123, 125, 126, 227, 277, 278, 279, 280, 282, 283, 284, 286, 287, 288, 337, 368, 369, 370, 371, 399 và 400 của Bộ luật hình sự;
d) Các tội phạm được thực hiện ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án quân sự cấp quân khu xét xử sơ thẩm những vụ án:
a) Vụ án hình sự về các tội phạm không thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực;
b) Vụ án hình sự có bị cáo, bị hại, đương sự ở nước ngoài hoặc tài sản có liên quan đến vụ án ở nước ngoài;
c) Vụ án hình sự thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực nhưng có nhiều tình tiết phức tạp khó đánh giá, thống nhất về tính chất vụ án hoặc liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành; vụ án mà bị cáo là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, người có chức sắc trong tôn giáo hoặc có uy tín cao trong dân tộc ít người.”
Trong đó:
- Căn cứ theo điều 9 BLHS 2015, Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;
- Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 – 07 năm tù;
- Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội này là từ trên 07 – 15 năm tù.
- Vụ án hình sự về các tội phạm không thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực. Đó là những loại tội phạm sau:
-
- Tội phạm thuộc loại đặc biệt nghiêm trọng_là những tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn, có mức cao nhất của khung hình phạt là từ 15 – 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình;
- Tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng quy định tại: Chương các tội xâm phạm an ninh quốc gia; Chương các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh; Các điều 123, 125, 126, 227, 277, 278, 279, 280, 282, 283, 284, 286, 287, 288, 337, 368, 369, 370, 371, 399 và 400 của BLHS 2015.
2. Thẩm quyền xét xử của Tòa án theo BLTTHS 2015 theo lãnh thổ
Thẩm quyền xét xử của Tòa án theo BLTTHS 2015 theo lãnh thổ được quy định tại Điều 269 như sau:
“1. Tòa án có thẩm quyền xét xử vụ án hình sự là Tòa án nơi tội phạm được thực hiện. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được nơi thực hiện tội phạm thì Tòa án có thẩm quyền xét xử là Tòa án nơi kết thúc việc điều tra.
2. Bị cáo phạm tội ở nước ngoài nếu xét xử ở Việt Nam thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi cư trú cuối cùng của bị cáo ở trong nước xét xử. Nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng ở trong nước của bị cáo thì tùy trường hợp, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ra quyết định giao cho Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội hoặc Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh hoặc Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng xét xử.
Bị cáo phạm tội ở nước ngoài nếu thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự thì Tòa án quân sự cấp quân khu xét xử theo quyết định của Chánh án Tòa án quân sự trung ương”.
Đối với trường hợp tội phạm xảy ra trên tàu bay hoặc tàu biển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang hoạt động ngoài không phận hoặc ngoài lãnh hải của Việt Nam thì thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án Việt Nam nơi có sân bay hoặc bến cảng trở về đầu tiên hoặc nơi tàu bay, tàu biển đó được đăng ký. (Điều 270 BLTTHS năm 2015)
III. MỘT SỐ VÍ DỤ CỤ THỂ VỀ THẨM QUYỀN XÉT XỬ CỦA TÒA ÁN THEO BLTTHS 2015

1. Ví dụ về thẩm quyền xét xử của tòa án theo BLTTHS 2015 trong vụ nữ sinh giao gà ở Điện Biên:
_Theo kết luận điều tra và theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, bị can Vì Văn Toán bị đề nghị truy tố về tội các “giết người”, “bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”. Các bị can Bùi Văn Công, Vương Văn Hùng, Phạm Văn Nhiệm, Lường Văn Hùng, Lường Văn Lả bị đề nghị truy tố về các tội “giết người”, “hiếp dâm”, “bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”. Các bị can Phạm Văn Dũng và Cầm Văn Chương bị đề nghị truy tố về tội “hiếp dâm”.
Bị can Bùi Thị Kim Thu bị đề nghị truy tố về tội “không tố giác tội phạm”. Bị can Bùi Văn Công bị đề nghị truy tố thêm tội “cướp tài sản” và “tàng trữ trái phép chất ma túy”; bị can Vương Văn Hùng cũng bị đề nghị truy tố thêm “tội cướp tài sản”.
_Như vậy, trong vụ án này có 6/9 bị can bị truy tố với tội danh “giết người” theo quy định tại khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi , bổ sung năm 2017) với mức án từ 20 năm tù, hoặc chung thân cho đến tử hình là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do đó thẩm quyền xét xử của tòa án theo BLTTHS 2015 tại điều 268 thì thuộc về tòa án nhân dân cấp tỉnh.
_Vụ việc xảy ra trên địa bàn tỉnh Điện Biên cho nên thẩm quyền xét xử của tòa án theo BLTTHS 2015 tại điều 269 thuộc về tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên.
2. Ví dụ về thẩm quyền xét xử của tòa án theo BLTTHS 2015 trong vụ Nguyễn Thanh Thuận – phạm tội đào ngũ (điều 402 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015)
_Nguyễn Thanh Thuận là Binh nhì, Chiến sĩ, Tiểu đội 1, Trung đội 13, Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 4, Sư đoàn 5, QK7 có ý định rời bỏ đơn vị, không muốn phục vụ quân đội. Trong thời gian bị cáo bỏ trốn, chỉ huy đơn vị đã nhiều lần cử cán bộ đi tìm nhiều nơi, nhiều lần đến gia đình, chính quyền địa phương nơi bị cáo cư trú để phối hợp, thông báo, vận động, yêu cầu trở lại đơn vị nhưng bị cáo vẫn trốn, kiên quyết rời bỏ hàng ngũ.
_Đến ngày 05/7/2021 Chỉ huy đơn vị phối hợp cùng với Công an địa phương, tỉnh Đồng Tháp phát hiện, lập biên bản đưa bị cáo về đơn vị và đề nghị xử lý quân nhân vi phạm theo quy định pháp luật.
Trường hợp này:
- Thứ nhất, NTT là một quân nhân tại ngũ do đó thẩm quyền xét xử của tòa án theo BLTTHS 2015 thuộc về tòa án quân sự.
- Thứ hai, căn cứ theo điều 268 và 269 thẩm quyền xét xử của tòa án theo BLTTHS 2015 thuộc về tòa án khu vực 1 quân khu 7
Trên đây là bài viết do công ty TNHH Luật Lawfully tìm hiểu, nghiên cứu. Nếu còn vướng mắc, kính mong quý bạn đọc liên hệ theo thông tin trên website để được giải đáp trực tiếp. Cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm!